Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên và đoàn Cựu chiến binh Xô Viết. |
Trong những thập niên gần đây, thông tin về Việt Nam trên các phương tiện truyền thông quốc tế không nhiều, nhiều bạn bè các nước ít biết về Việt Nam từ sau chiến tranh. Nhân dịp này, tôi mong muốn giới thiệu khái quát với các bạn những nét chính về tình hình Việt Nam trong 35 năm qua.
Chiến tranh đã để lại những hậu quả rất nặng nề cho đất nước chúng tôi. Trước chiến tranh, Việt Nam vốn là một nước nghèo với chủ yếu là nền nông nghiệp lạc hậu. Trong chiến tranh, quân đội Mỹ và tay sai đã ném xuống Việt Nam số lượng bom đạn gấp 4 lần số bom được sử dụng trong chiến tranh thế giới II, tương đương với sức công phá của 725 trái bom nguyên tử đã ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Hơn 3 triệu người dân Việt Nam đã bị giết chết, hơn 4 triệu người bị thương. Ngoài ra quân đội Mỹ đã sử dụng 80 triệu lít chất độc hóa học nhằm mục đích “làm sạch” đất đai, trong đó có hơn 45 triệu lít chất độc màu da cam chứa gần 400 kg dioxin. Uớc tính có tới 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc hóa học màu da cam/dioxin và hàng triệu người đang phải mang những căn bệnh hiểm nghèo; hàng trăm nghìn trẻ em sinh ra đã bị dị tật bẩm sinh. Một phần lớn diện tích rừng của đất nước chúng tôi bị tàn phá, cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Bom mìn còn ẩn giấu dưới lòng đất trên diện rộng và vẫn tiếp tục gây thương tích, đe dọa tính mạng người dân tại nhiều làng quê miền Nam Việt Nam. Tôi muốn nhắc lại những điều đó để các bạn có thể phần nào hiểu được sức tàn phá của cuộc chiến tranh mà Mỹ gây ra cho Việt Nam cũng như những khó khăn mà chúng tôi gặp phải khi chiến tranh kết thúc.
Sau chiến tranh, Việt Nam rất cần đến môi trường hòa bình, các nguồn đầu tư, sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh, đầu tư phát triển kinh tế nhằm tái thiết đất nước và cải thiện đời sống nhân dân. Nhưng rất tiếc điều đó đã không xảy ra. Mỹ đã áp đặt cấm vận kinh tế đối với đất nước chúng tôi trong suốt gần 20 năm sau chiến tranh. Khơme Đỏ tiến hành diệt chủng ở Campuchia và tấn công xâm lược Việt Nam. Khi Việt Nam giúp nhân dân Cămpuchia để loại bỏ sự thống trị và ngăn chặn sự trở lại của Khơme Đỏ, các nước phương Tây và đồng minh đã đứng về phía Khơme Đỏ, lợi dụng vấn đề Cămpuchia để cô lập và làm suy yếu Việt Nam. Sự hỗ trợ chủ yếu mà chúng tôi nhận được là từ phía các nước xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là Liên Xô. Nhưng các nước này cũng đã bước vào thời kỳ khó khăn, không thể giúp đỡ nhiều. Kinh tế trong nước chúng tôi lâm vào tình trạng trì trệ. Cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung dựa trên chế độ công hữu, tập thể và chế độ phân phối bao cấp, bình quân tuy đem lại sự bình đẳng xã hội nhưng không khuyến khích được người lao động, không phù hợp với trình độ kinh tế phát triển thấp, chủ yếu là sản xuất nhỏ và sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. Năng suất lao động rất thấp. Là một nước nông nghiệp nhưng chúng tôi luôn bị thiếu lương thực. Hàng năm, chúng tôi phải nhập khẩu đến một triệu tấn lương thực để đảm bảo nhu cầu ở mức tối thiểu. Không chỉ thiếu thốn lương thực, chúng tôi còn không có đủ các mặt hàng thiết yếu khác. Lạm phát giữa những năm 80 lên đến hơn 700%. Phần lớn dân cư sống trong nghèo đói. Khi đó chúng tôi thực sự đứng trước một cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội rất trầm trọng. Đó là cả một thập kỷ hết sức khó khăn đối với Việt Nam sau chiến tranh.
Chúng tôi nhận thức được là ngoài các nguyên nhân khách quan, chúng tôi còn có những sai lầm chủ quan trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, chủ yếu gồm:
- Về cơ chế quản lý: việc áp dụng kế hoạch hóa tập trung tuy giúp loại bỏ được một số mặt trái của cơ chế thị trường nhưng không phù hợp với trình độ phát triển về kinh tế và trình độ quản lý hiện thời. Thực hiện kế hoạch hóa toàn diện, từ trung tâm, một mặt không thể đảm bảo tương thích với nhu cầu đa dạng và luôn biến động của xã hội, mặt khác làm hạn chế tính năng động, khả năng chủ động, sáng tạo từ cơ sở. Việc kế hoạch hóa chủ yếu thông qua bộ máy hành chính cũng tạo cơ chế xin-cho, làm méo mó đi các mối quan hê kinh tế đích thực và góp phần tạo bệnh cửa quyền, quan liêu.
- Về quan hệ sở hữu: việc áp dụng phổ biến mô hình sở hữu nhà nước và tập thể, hạn chế tư hữu đối với tư liệu sản xuất tuy đã xóa bỏ được chế độ người bóc lột người nhưng không tương thích với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; thực chất chúng tôi đã xã hội hóa quan hệ sản xuất ở mức cao trong khi trình độ phát triển của lực lượng sản xuất còn ở mức thấp, đã làm trái với quy luật của Mác. Vì vậy đã làm triệt tiêu động lực, không huy động được các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong khi nguồn lực của nhà nước còn rất hạn chế.
- Về chế độ phân phối: việc áp dụng chế độ phân phối bao cấp, bình quân tuy đã đảm bảo được sự bình đẳng giữa mọi người, đảm bảo được nền tảng phúc lợi xã hội ban đầu, thí dụ là ai cũng có việc làm, ai cũng có nhà ở, ai cũng được học hành và chữa bệnh miễn phí, nhưng trên thực tế thì để đảm bảo được hệ thống phúc lợi đó, chúng tôi đã phải sử dụng phần lớn các nguồn lực có được, không còn được nguồn lực tương xứng để đầu tư cho phát triển. Và vì vậy, mọi người bình đẳng như nhau nhưng cũng lại nghèo như nhau và khả năng để cải thiện, nâng cao mức sống cho nhân dân thì rất hạn chế. Đồng thời, phương thức phân phối bình quân cùng với chế độ sở hữu, quản lý cũng góp phần làm triệt tiêu động lực tăng năng suất lao động, dẫn đến sự lãng phí không nhỏ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nói tóm lại, sai lầm lớn nhất là chúng tôi đã có sự lẫn lộn nhất định giữa mục tiêu và hiện thực. Mục tiêu xóa bỏ bóc lột, thực hiện công bằng xã hội là cao cả, tốt đẹp nhưng để tiến tới các mục tiêu đó cần có các điều kiện, phương tiện kinh tế, vật chất, văn hóa, là cả một quá trình, không phải một sớm một chiều và càng không phải chỉ dựa vào ý chí chính trị. Chúng tôi chưa có chủ nghĩa xã hội mà chỉ bắt đầu xây dựng nó. Vì vậy phải có các giải pháp, bước đi phù hợp với tình hình và các điều kiện khách quan. Từ nhận thức đó, giữa những năm 80, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương thực hiện chính sách mà trong tiếng Việt gọi là “Đổi mới”. Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đã quyết định chính thức đưa chính sách này thành đường lối để thực hiện trên quy mô toàn xã hội. Về kinh tế-xã hội, trọng tâm của chính sách đổi mới là việc chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Những đặc điểm cơ bản của nền kinh tế thị trường XHCN tại Việt Nam có thể nêu khái quát như sau:
- Coi thị trường là công cụ, tăng trưởng kinh tế là điều kiện để thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội. Một trong những biểu hiện của đặc điểm này là các chỉ tiêu phát triển hàng năm, trung hạn và dài hạn của Việt Nam không chỉ gồm các chỉ tiêu kinh tế, các chỉ số của thị trường mà có phần hết sức quan trọng là hệ thống các chỉ tiêu phát triển xã hội như giảm nghèo, phát triển giáo dục, y tế, việc làm, về giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, về tăng cung cấp nước sạch cho người dân, về bảo vệ môi trường, v.v...
- Sử dụng hợp lý không gian thị trường, chủ yếu trong lĩnh vực hoạt động kinh tế và có sự kết hợp hài hòa giữa không gian thị trường với không gian công ích trong các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và các dịch vụ công cộng, công ích khác.
- Thị trường có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước XHCN nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của thị trường, sử dụng và hướng thị trường hoạt động phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích chung của toàn xã hội.
- Kết hợp giữa thị trường và kế hoạch hóa để phân bổ các nguồn lực hợp lý, đảm bảo thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội một cách đồng bộ, liên tục và nhất quán. Trong khi các nguồn lực thị trường tập trung chủ yếu vào các hoạt động vì lợi nhuận thì Nhà nước có các chương trình, dự án để phát triển hạ tầng, phát triển nông thôn, hỗ trợ các vùng sâu, vùng xa, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, v.v... nhằm thúc đẩy phát triển công bằng và bền vững.
- Là nền kinh tế hỗn hợp có vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước; quan hệ sản xuất phát triển từng bước phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Doanh nghiệp nhà nước là các đơn vị kinh tế đa mục tiêu, hoạt động vì lợi ích chung của xã hội chứ không chỉ vì lợi nhuận. Đất đai và các tài nguyên khác thuộc sở hữu nhà nước, được sử dụng để phục vụ cho lợi ích toàn dân.
- Là nền kinh tế độc lập, tự chủ kết hợp với mở rộng hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế; phát huy tối đa nội lực kết hợp với tranh thủ hợp lý ngoại lực.
Việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tại Việt Nam đã thực sự đem lại những thay đổi tích cực cho đất nước chúng tôi trong suốt hơn 2 thập kỉ qua.
Nền kinh tế bắt đầu phát triển. Từ một nước luôn bị thiếu lương thực, vào cuối những năm 80 chúng tôi đã có đủ lương thực để đáp ứng nhu cầu cho nhân dân và bắt đầu có gạo xuất khẩu. Hiện Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo và đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản khác. Công nghiệp phát triển nhanh chóng, từ chỗ chỉ chiếm 29% GDP năm 1986 lên 40% GDP năm 2008. GDP tăng trưởng với tốc độ khá cao, trung bình khoảng 7-8%/năm. Năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, GDP tăng 5,3%. GDP bình quân đầu người tăng từ 120 USD năm 1986 lên 1080 USD năm 2009. Như vậy, theo tiêu chí của Liên hợp quốc, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm các nước kém phát triển từ năm 2008.
Về cơ cấu nền kinh tế xét trên phương diện quan hệ sở hữu, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam năm 2008 gồm 34% từ kinh tế nhà nước, 6% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 11% từ kinh tế tư nhân trong nước và 19% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tại Việt Nam, đất đai và tài nguyên thiên nhiên thuộc về sở hữu toàn dân thông qua vai trò quản lý của Nhà nước.
Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường và việc mở cửa nền kinh tế cũng kéo theo những vấn đề xã hội mới mà chúng tôi chưa từng phải đối mặt trước đây như vấn đề thất nghiệp, tham nhũng, các tệ nạn xã hội, việc gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giữa nông thôn và thành thị.
Chính sách đổi mới trong lĩnh vực phát triển xã hội bao gồm các nội dung chính yếu sau:
- Lấy con người là trung tâm của sự phát triển, phát triển kinh tế tạo điều kiện cho việc áp dụng các chính sách xã hội và ngược lại, việc thực thi chính sách xã hội sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển. Chủ động thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội trên từng bước phát triển kinh tế.
- Tạo điều kiện khuyến khích mọi người phát huy thế mạnh, tiềm năng của mình; khuyến khích người dân làm giàu hợp pháp; đồng thời nhà nước đi đầu, huy động toàn xã hội tập trung xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, các khu vực có điều kiện khó khăn.
- Coi phát triển văn hóa là nền tảng, phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học kỹ thuật là quốc sách hàng đầu nhằm phát triển nguồn nhân lực và là tác nhân chính thúc đẩy xã hội đi lên và phát triển bền vững.
Hiện dân số của Việt Nam là hơn 86 triệu người, trong đó hơn 70% số dân sống ở nông thôn. Phát triển kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội những năm 80 và cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân.
Các chương trình quốc gia về phát triển nông nghiệp và nông thôn, hỗ trợ phát triển vùng sâu, vùng xa chiếm vị trí quan trọng trong ưu tiên của Nhà nước. Đến năm 2008, 90% các xã đã có điện lưới (so với 87,9% năm 1994), 100% có trường tiểu học và 90% có trường trung học cơ sở (so với 76,6% năm 1994), 88% có điện thoại (so với 82,6% năm 1994) và 98,2% có trạm y tế.
Mặc dù ngân sách nhà nước còn rất eo hẹp nhưng Chính phủ dành 25% ngân sách hàng năm cho các chương trình xã hội. Xóa đói giảm nghèo là ưu tiên nhất quán của chính phủ và toàn xã hội. Tỷ lệ người nghèo giảm từ 75% năm 1986 xuống còn 58% năm 1993, 37% năm 1998, 29% năm 2002 25% năm 2004, 19% năm 2006 và 13,5% năm 2008. Chỉ từ 1991-2000, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên hiệp quốc đưa ra cho năm 2015 đó là giảm số người nghèo xuống còn một nửa.
Nhà nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong các lĩnh vực giáo dục và y tế. Trong khi chưa có điều kiện để đảm bảo giáo dục miễn phí cho mọi người ở tất cả các cấp, Việt Nam tập trung vào xóa mù chữ, từng bước phổ cập giáo dục phổ thông, cấp học bổng cho người nghèo và dành một phần đầu tư đáng kể cho giáo dục, đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Hàng năm Nhà nước dành 20% ngân sách để chi cho giáo dục. Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000. Hiện nay phổ cập giáo dục trung học cơ sở đã được thực hiện ở 55/63 tỉnh thành và sẽ được hoàn tất trong cả nước trong năm nay. Số người đi học tăng từ 14,9 triệu trong năm học 1994-1995 lên 20,8 triệu người năm học 2002-2003; cũng trong thời gian này, số sinh viên đại học, cao đẳng tăng từ 203.000 lên 1.020.000 và đạt 1.404.700 người năm học 2005-2006. Hiện nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết.
Trong khi chưa thực hiện được việc đảm bảo cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho toàn dân, Việt Nam tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Các dịch bệnh phổ biến trước đây đã được khống chế thành công. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Trong 10 năm qua, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm từ 51% xuống còn 18,9%. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm từ 81%o năm 1990 xuống 14%o năm 2008. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi trong năm 1990 lên 69.8 tuổi trong năm 2004 và 72,8 tuổi trong năm 2008. Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng từ 0,498 năm 1991 đến 0,688 năm 2000, và 0,733 năm 2007.
Về chính trị, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Để quyền lực thuộc về nhân dân và phục vụ cho lợi ích của nhân dân, một mặt phải đảm bảo để đời sống chính trị không bị đồng tiền chi phối, mặt khác cần từng bước hoàn thiện luật pháp, các thiết chế và quy trình để không ngừng phát huy vai trò làm chủ thực sự của quần chúng nhân dân, đảm bảo sự tham gia bình đẳng của người dân không phân biệt giới tính, dân tộc hay điều kiện kinh tế.
Đời sống chính trị ở Việt Nam nay đã khác rất nhiều so với trước đây. Các phiên chất vấn đối với các thành viên Chính phủ và nhiều hoạt động khác của Quốc hội được phát trực tiếp trên đài truyền hình và phát thanh trong cả nước. Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương có các hình thức tiếp xúc, đối thoại thường xuyên với báo chí, các tổ chức nhân dân và trực tiếp với người dân. Quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện hơn 10 năm qua với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã phát huy đáng kể vai trò làm chủ của người dân tại các địa phương, đơn vị trong cả nước.
Hàng chục nghìn tổ chức nhân dân được thành lập trong cả nước và đang tích cực hoạt động, tham gia vào đời sống chính trị và quá trình phát triển kinh tế xã hội. Có hơn 600 đài, báo trung ương và địa phương cung cấp tin tức cho người dân, thẳng thắn phê phán những việc làm chưa tốt của các cấp chính quyền và những người có trách nhiệm. Tự do tín ngưỡng được đảm bảo. Vai trò của phụ nữ ngày càng được nâng cao trong xã hội.
Đồng thời, chúng tôi cũng nhận thức rằng xây dựng một xã hội dựa trên các giá trị tiến bộ không phải là một quá trình tự phát mà là một quá trình tự giác, hướng đích và lâu dài, đòi hỏi phải có sự liên tục, nhất quán của lực lượng chính trị lãnh đạo quá trình đó và sự ủng hộ, tham gia tích cực của quần chúng nhân dân. Mọi sự gián đoạn về chính trị đều có thể dẫn đến sự xóa bỏ toàn bộ các thành tựu có được từ cuộc đấu tranh của nhân dân lao động. Do đó, việc giữ vững vai trò lãnh đạo liên tục của Đảng chính trị có mục tiêu xây dựng CNXH là một trong những điều kiện tiên quyết để xây dựng CNXH. Tuy nhiên, mọi sự cầm quyền ổn định, lâu dài luôn kèm theo với nguy cơ trì trệ, tha hóa, quan liêu, tham nhũng.v.v... Và Đảng chúng tôi ý thức được điều đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn lưu ý, nhắc nhở mọi cán bộ, đảng viên về vấn đề này ngay từ khi Đảng bắt đầu cầm quyền. Do đó, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng cố gắng tự chỉnh đốn để giữ gìn sự trong sạch, nâng cao năng lực lãnh đạo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, củng cố mối liên hệ ngày càng mật thiết với nhân dân.
Về đối ngoại, trong điều kiện tình hình quốc tế hiện nay, chúng tôi cho rằng việc đảm bảo môi trường hòa bình, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, chúng tôi chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng. Hiện nay Việt Nam có quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của nhiều tổ chức quốc tế, khu vực quan trọng.
Tóm lại, có thể khẳng định rằng đường lối đổi mới, mở cửa đã đem lại những thay đổi tích cực rất to lớn và toàn diện đối với Việt Nam trong gần 25 năm qua. Kinh tế phát triển, chính trị ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể và không ngừng được nâng cao; thế và lực của đất nước không ngừng được tăng cường; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế không ngừng được củng cố.
Có được điều đó, ngoài đường lối đúng đắn và nỗ lực của nhân dân Việt Nam, có vai trò rất quan trọng của sự ủng hộ, giúp đỡ và hợp tác của nhân dân các nước trên thế giới. Nhân dịp này, chúng tôi muốn cảm ơn các bạn và thông qua các bạn, đến mọi tổ chức và cá nhân đã không chỉ đoàn kết, ủng hộ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn giúp đỡ chúng tôi hàn gắn vết thương chiến tranh, hỗ trợ, hợp tác với chúng tôi để phát triển đất nước trong 35 năm qua.
Thưa các đồng chí và các bạn,
Tôi cũng muốn nói rằng hiện nay đất nước chúng tôi còn đứng trước không ít các thách thức to lớn, còn có nhiều vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết.
Việt Nam vẫn còn là một nước đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp, vẫn còn một bộ phận dân số còn nghèo, chất lượng cuộc sống của người dân chưa cao; chất lượng của giáo dục, y tế và các dịch vụ công cộng còn thấp, còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc cần phải tiếp tục giải quyết. Trong quá trình phát triển xã hội, bên cạnh những nhân tố tích cực vẫn không tránh khỏi có sự đan xen, tác động của không ít nhân tố tiêu cực.
Hậu quả chiến tranh vẫn còn hết sức nặng nề. Các nhà khoa học tính rằng với tốc độ rà phá trong những năm qua thì phải mất 300 năm nữa Việt Nam mới làm sạch được số bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Đặc biệt, hàng triệu người tàn tật, mắc nhiều bệnh hiểm nghèo và hàng trăm ngàn trẻ em bị dị tật bẩm sinh do ảnh hưởng của chất độc da cam/đi ô xin là nỗi đau lớn nhất do chiến tranh để lại nhưng vẫn hiện hữu hàng ngày trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Và sau 35 năm từ khi kết thúc chiến tranh, vẫn còn đó hơn 300 nghìn người Việt Nam mất tích trên chính quê hương mình.
Mặt trái của cơ chế thị trường và của quá trình toàn cầu hoá theo chủ nghĩa tự do mới cũng đang đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam trong việc đảm bảo phát triển công bằng và bền vững, bảo vệ và củng cố các định hướng, giá trị tiến bộ, nhân văn trong quá trình phát triển đất nước. Những bất công trong trật tự kinh tế quốc tế và thương mại quốc tế bất bình đẳng đang đe dọa chủ quyền kinh tế, ảnh hưởng tới lợi ích của đông đảo người lao động Việt Nam. Khủng hoảng tài chính, kinh tế, khủng hoảng năng lượng, môi trường sinh thái toàn cầu đang tác động tiêu cực đến môi trường và điều kiện phát triển của Việt Nam. Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, vẫn có những thế lực không ngừng tìm cách can thiệp, gây mất ổn định, xâm hại chủ quyền và lợi ích của Việt Nam.
Đó là những thách thức không nhỏ.
Nhưng con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra là phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài của các tầng lớp nhân dân Việt Nam, là sự lựa chọn của nhân dân chúng tôi. Đó là một sự nghiệp lâu dài, không dễ dàng và không có một công thức có sẵn, đòi hỏi sự sáng tạo, kiên trì, và nỗ lực liên tục, không mệt mỏi của nhiều thế hệ. Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm để vượt qua thách thức, khắc phục những hạn chế, yếu kém, củng cố và phát huy các nhân tố tích cực, đấu tranh, hạn chế các mặt tiêu cực để phục vụ tốt hơn cho lợi ích của nhân dân và xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Bài toán lớn nhất, quan trọng nhất của Việt Nam ngày nay là làm sao tiếp tục khắc phục được những khiếm khuyết của mô hình cũ nhưng không bị mất định hướng, không bị chi phối bởi thị trường và chủ nghĩa tự do mới. Điều chắc chắn là chúng tôi sẽ kiên định mục tiêu nhằm tiến tới xây dựng một xã hội mà trong đó, phát triển kinh tế là để phục vụ con người chứ không phải chỉ vì lợi nhuận; một xã hội mà trong đó quyền lực thực sự thuộc về nhân dân chứ không bị chi phối bởi đồng tiền, một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Những thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam trong gần 25 năm qua đã cho thấy mục tiêu đó có một sức sống thực sự mạnh mẽ, đường lối đó là đúng đắn và do đó, được nhân dân ủng hộ. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, với sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, chúng tôi sẽ thực hiện được mục tiêu đó. Đây là cuộc đấu tranh mới của nhân dân chúng tôi và trong cuộc đấu tranh đó, chúng tôi một lần nữa rất cần đến sự đoàn kết, ủng hộ và hợp tác, giúp đỡ của các bạn bè trên thế giới.
Xin cảm ơn các đồng chí và các bạn!