“Đồng chí Đỗ Xuân Oanh của chúng ta không còn nữa. Sau một thời gian đau nặng, mặc dù đã được các giáo sư, bác sỹ bệnh viện Hữu nghị Hà Nội tận tình cứu chữa, gia đình, bè bạn, hết lòng quan tâm chăm sóc, nhưng do tuổi cao, lâm bệnh hiểm nghèo, đồng chí đã từ trần hồi 4 giờ 00 phút ngày 27/03/2010 (tức ngày 12 tháng 2 năm Canh Dần) tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, hưởng thọ 88 tuổi.
Đồng chí Đỗ Xuân Oanh sinh ngày 04 tháng 01 năm 1923 trong một gia đình thợ may nghèo, giầu truyền thống yêu nước tại Thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Ham học và học giỏi, nhưng vì mẹ mất sớm, chỉ mới học tới lớp bốn đồng chí phải nghỉ học đi làm ở mỏ, tận mắt chứng kiến cảnh áp bức bóc lột của thực dân, đế quốc đối với đồng bào ta. Lên Hà Nội kiếm sống, đồng chí được giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia công tác tuyên truyền, phân phát tài liệu, sách báo cho Mặt trận Việt Minh từ năm 1944, tham gia các hoạt động chuẩn bị Cách mạng tháng Tám 1945 tại Hà Nội.
Từ tháng 5/1945 đến năm 1946, đồng chí tham gia Đội tuyên truyền khởi nghĩa, vận động kết nạp nhiều thanh niên vào tổ chức Việt Minh, kêu gọi đồng bào đứng lên đánh Pháp đuổi Nhật. Ngày 19/8/1945, đồng chí tham gia khởi nghĩa tại Hà Nội. Vào thời khắc hừng hực khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân Thủ đô và cả dân tộc, đồng chí đã sáng tác Bài ca “Mười chín tháng Tám” bất hủ khi hòa cùng đoàn người biểu tình tiến đến Bắc Bộ phủ, ghi lại những giây phút hào hùng lịch sử của dân tộc. Tác phẩm nổi tiếng này đã đưa Xuân Oanh từ một nhạc sỹ không chuyên thành người anh, cây đại thụ của nền Âm nhạc nước nhà.
Ngày 19/12/1946, hướng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí tham gia tự vệ Hà Nội, dũng cảm chiến đấu tại nội thành với quân Pháp xâm lược. Ngày 6/10/1947, đồng chí vinh dự đứng trong hàng ngũ những người Cộng sản Việt Nam, được phân công công tác ở Ban Dân quân Khu 9 thuộc các vùng Hà Nội, Hà Đông, Hà Tây.
Tháng 11/1947 đồng chí lên chiến khu Việt Bắc và được cử là đại biểu thanh niên khu 9 tham dự Đại hội liên hoan thanh niên, sinh viên Thế giới. Mùa hè năm 1948, đồng chí được cử là biên tập viên Báo Cứu quốc khi đó do đồng chí Xuân Thuỷ là Uỷ viên Tổng bộ Việt Minh phụ trách. Ngày 19 tháng 11 năm 1950, Uỷ ban Bảo vệ hoà bình Thế giới của Việt Nam được thành lập, đồng chí chuyển sang công tác tại Uỷ ban và làm Thư ký cho đồng chí Xuân Thuỷ. Thời gian này với tinh thần hiếu học đồng chí tiếp tục tự học và sử dụng thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và tiếng Nga.
Từ năm 1954 đến giữa năm 1955, do yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí được cử sang Uỷ ban Liên hiệp Đình chiến Trung ương và đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý báu cho công tác ngoại giao, hoạt động đối ngoại nhân dân và hoạt động của Việt Nam trong phong trào hoà bình thế giới sau này.
Từ 1957, đồng chí tiếp tục tham gia công tác tại Uỷ ban Bảo vệ hoà bình Thế giới của Việt Nam. Năm 1962, đồng chí được cử phục vụ đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà tại Hội nghị Giơnevơ về vấn đề Lào. Năm 1963 đồng chí tham gia Đại hội toàn quốc Phong trào Hoà bình và được cử làm Thư ký thường trực Uỷ ban Bảo vệ Hoà bình Thế giới của Việt Nam và Uỷ ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Á - Phi.
Trước yêu cầu của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, từ năm 1968 đến tháng 01/1972, đồng chí được tổ chức cử sang làm việc tại Ban Thư ký Uỷ ban Việt Nam Đoàn kết với Nhân dân Mỹ, tham gia Đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Tháng 4/1969, đồng chí được bổ nhiệm Phó vụ trưởng Vụ I, Ban Đối ngoại Trung ương. Cống hiến quan trọng nhất của đồng chí trong thời kỳ này là góp phần hết sức có ý nghĩa vào việc hình thành, phát huy mạnh mẽ phong tào phản chiến của nhân dân Mỹ đối với cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam ngay trong lòng nước Mỹ.
Giữa năm 1972, đồng chí được tổ chức biệt phái sang Đoàn 875, Tổng cục Chính trị, là đoàn phó phụ trách công tác Mỹ vận đối với các tù binh phi công Mỹ. Tháng 9/1973, đồng chí trở lại làm Thư ký Uỷ ban Bảo vệ hoà bình Thế giới của Việt Nam, Thư ký Uỷ ban Đoàn kết Á – Phi. Năm 1988, tại hội nghị của Đoàn chủ tịch của Uỷ ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân các nước, đồng chí Đỗ Xuân Oanh được bầu là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam. Thời kỳ này, đồng chí là Vụ trưởng Vụ Hoà bình hữu nghị Tư bản chủ nghĩa – Ban Đối ngoại Trung ương, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Thưa các đồng chí và các bạn,
Từ sau năm 1945, do yêu cầu của cách mạng và của Đảng, đồng chí Xuân Oanh đã tham gia công tác chính trị, quân sự, báo chí, văn học, nghệ thuật và đối ngoại. Từ một học sinh lớp bốn phải bỏ học vì nhà nghèo tham gia kháng chiến, với sự thông minh, nghị lực mạnh mẽ và phương pháp học tập khoa học, đồng chí đã tự học và đạt được trình độ ngoại ngữ hiếm có ngay trên chiến khu Việt Bắc. Đồng chí là một trong những phát thanh viên tiếng Anh đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày đầu cách mạng, viết báo Cứu quốc, làm công tác quốc tế nhân dân, tham gia Mặt trận Việt minh Liên Việt, sau này là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam, Hội Việt-Mỹ... Đồng chí là một trong số không nhiều người được tham gia hầu hết các hội nghị quốc tế quan trọng về Việt Nam như Hội nghị Giơnevơ về các nước Đông Dương, Hội nghị Paris về Việt Nam năm 1968-1972. Về Văn học, nghệ thuật đồng chí đã dịch thuật, in khá nhiều các tác phẩm văn học cổ điển và hiện đại của Anh, Pháp và Mỹ. Đồng chí đã đóng góp cho nền văn học nghệ thuật bằng những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng. Bài ca “Mười chín tháng Tám” mãi đi vào lịch sử của dân tộc.
Với nghị lực vượt lên mọi khó khăn trong thời kỳ kháng chiến và ngay cả khi hoà bình, đồng chí đã phấn đấu không mệt mỏi, luôn tự học hỏi, tự tích luỹ kinh nghiệm, đặc biệt trong công tác đối ngoại nhân dân, đồng chí xứng đáng là một trong những nhà hoạt động đối ngoại nhân dân lão thành xuất sắc mà cán bộ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ban Đối ngoại Trung ương yêu thương, tôn trọng và noi gương. Có lần được hỏi, đồng chí nói “ thực sự tôi không học ở trường nào, nếu có thì đó là trường học của cuộc sống, trường học của cách mạng và cuối cùng là sự tự học”. Noi gương ông, cha, các con, cháu của đồng chí hiện nay ai nấy đều cố gắng tạo nên sự nghiệp của chính mình bằng con đường tự rèn luyện, phấn đấu và học tập. Bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, yêu mến, trân trọng, kính phục và biết ơn anh. Được tin anh qua đời, nhiều tổ chức, bạn bè quốc tế đã chia buồn, kính viếng anh. Hội đồng Hòa bình thế giới đã ra thông báo về việc đồng chí Đỗ Xuân Oanh qua đời như sau “Với niềm thương tiếc sâu sắc, Hội đồng Hòa bình Thế giới xin thông báo về việc đồng chí Đỗ Xuân Oanh, một trong những nhà lãnh đạo có uy tín của Ủy ban Hòa Bình Việt Nam, một thành viên tham gia vào việc thành lập Ủy ban Hòa bình Việt Nam từ năm 1950, người đã cống hiến cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc đã qua đời.
Đồng chí Đỗ Xuân Oanh là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Hòa bình Việt Nam trong một thời gian dài. Trong nhiều thập kỷ cống hiến và đấu tranh bền bỉ, không mệt mỏi, đồng chí Đỗ Xuân Oanh đã đại diện cho nhân dân Việt Nam anh hùng và yêu hòa bình tham gia vào rất nhiều hoạt động của Hội đồng Hòa Bình Thế giới.
Những phẩm chất yêu nước, cách mạng và quốc tế của đồng chí sẽ luôn luôn được Hội đồng Hòa bình Thế giới ghi nhớ và sẽ dẫn dắt các thế hệ chiến sỹ hòa bình tương lai ở Việt Nam và trên thế giới.
Hội đồng Hòa Bình Thế giới xin bày tỏ lời chia buồn chân thành và sâu sắc tới gia đình đồng chí Đỗ Xuân Oanh, tới Ủy ban Hòa Bình Việt Nam và toàn thể nhân dân Việt Nam”.
Năm 1990, sau hơn 46 năm công tác, đồng chí được nghỉ hưu theo chính sách của Đảng và Nhà nước. Về nghỉ hưu tại địa phương, đồng chí gắn bó với bà con khối phố, khu tập thể. Với kinh nghiệm tích luỹ trong quá trình công tác, với nhiệt tình và trách nhiệm của người cán bộ đảng viên có nhiều năm tuổi đảng, đồng chí tiếp tục tham gia nhiều hoạt động đoàn thể, đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho hoạt động đối ngoại nhân dân và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Đồng chí sống giản dị về vật chất nhưng thư thái, phong phú lạc quan về tinh thần. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, với tinh thần xây dựng, thẳng thắn, đồng chí cũng làm tốt mọi công việc mà đảng bộ và nhân dân giao phó, đồng chí luôn được bà con khối phố, khu tập thể tin yêu, kính trọng.
Sinh thời, trong quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp đồng chí Đỗ Xuân Oanh là người sống có nghĩa tình, chân thực thẳng thắn, thương yêu, dìu dắt, thông cảm chia sẻ với anh chị em trong cơ quan có khó khăn. Trong gia đình, đồng chí là người chồng, người cha, người ông đáng kính, nuôi dạy con cháu trưởng thành.
Với những cống hiến của mình trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Đỗ Xuân Oanh đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng:
- Huân chương Kháng chiến hạng Ba,
- Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Nhất,
- Huân chương Độc lập hạng Ba,
- Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
- Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng,
- Kỷ niệm chương “Vì hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc”.
- Cùng nhiều huy chương, kỷ niệm chương của nhiều tổ chức xã hội, ngoại giao nhân dân trong và ngoài nước
Kính thưa gia quyến đồng chí Đỗ Xuân Oanh!
Kính thưa các cụ, các ông, các bà!
Thưa các đồng chí và các bạn !
Đồng chí Xuân Oanh mất đi là tổn thất lớn lao của gia đình, đồng chí và bạn bè bạn trong nước, quốc tế. Gia đình mất đi người chồng, người cha, người ông nhất mực thương yêu, kính trọng; Đảng ta mất đi người Đảng viên trung thành tận tuỵ, chúng ta mất đi người đồng chí, người anh thông tuệ, tài hoa, sắc sảo, bản lĩnh và chân tình. Đồng chí không còn nữa, nhưng những hình ảnh của đồng chí còn sống mãi trong niềm thương nhớ không nguôi của gia đình, đồng chí, đồng nghiệp, bè bạn nơi đồng chí đã sống, chiến đấu, hoạt động trong những năm tháng cách mạng cũng như khi đã nghỉ hưu.
Kính thưa hương hồn đồng chí,
Thưa toàn thể gia quyến !
Trong giờ phút thương đau này, chúng tôi những người đồng chí của anh ở Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ban Đối ngoại Trung ương, Liên hiệp các Hội Văn học và nghệ thuật, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Uỷ ban Hoà bình Việt Nam, Uỷ ban Đoàn kết Á – Phi - Mỹ la tinh, Hội Việt - Mỹ, Ban Liên lạc cán bộ hưu trí của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, anh em, bà con đồng chí quê hương huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, Đảng uỷ Phường Hàng Bông cùng bà con khu tập thể 54 Quán Sứ xin chia sẻ với gia quyến đồng chí về sự đau thương mất mát này.
Xin thay mặt Ban Tang lễ, chúng tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn và tri ân sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trung ương Mặt trận Tổ quốc đã gửi vòng hoa viếng và tới tất cả các tổ chức, đơn vị, cá nhân, các đồng chí và các bạn đã đến viếng, tiễn biệt anh về nơi an nghỉ cuối cùng.
Anh Đỗ Xuân Oanh yêu kính, mỗi năm, lúc Thu về, khi cả dân tộc chuẩn bị Kỷ niệm Quốc khánh 2-9, tất cả chúng tôi và các thế hệ mai sau sẽ hát Bài ca Mười Chín tháng Tám để biết ơn và tưởng nhớ anh và đi tiếp con đường mà cả cuộc đời anh đã chọn.
Xin vĩnh biệt đồng chí!
Cầu mong đồng chí thanh thản an nghỉ giấc ngàn thu!