Mọi con mắt đều đổ dồn vào những người con của Chủ tịch Xu-pha-nu-vông đặc biệt là anh Vi-nay-thong (có tên Việt Nam là Chính do Bác Hồ đặt) và chị Nhot-keo-ma-ni (tên Việt Nam là Nga) vì cả anh và chị đều rất giống bố và mẹ mình. Trong số những người dân địa phương có mặt hôm nay, ông Hùng có lẽ là người vui nhất. Năm 1950, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông và một số đồng chí cán bộ cách mạng Lào đã đến ở và làm việc bên khe Đá Bàn dưới chân dãy núi Là đồ sộ (nay là thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng). Hồi đó, Hoàng thân thường đến thăm các gia đình trong vùng và cậu bé Hùng đã nhiều lần được gặp “bác Xu” (cách gọi thân mật mà bà con dành cho Hoàng thân Xu-pha-nu-vông), còn được bác Xu mừng tuổi Tết guyên đán 1951.
59 năm qua, bé Hùng đau đáu nguyện vọng mong được gặp lại bác Xu dù chỉ một lần. Thế nhưng, sự nghiệp cao cả vì dân vì nước vô cùng gian nan vất vả khiến bác Xu không thể có dịp quay lại mảnh đất Đá Bàn. Được tin những người con của Chủ tịch Xu-pha-un-vông trở lại thăm Đá Bàn, ông Hùng háo hức lắm. Hôm nay ông diện bộ “oách” nhất của mình ra đón “các anh em Lào”. Bao nhiêu tình cảm sâu nặng chất chứa bấy lâu, nay mới có dịp dãi bày. Ông Hùng noi, thôi thì không được gặp bác Xu nhưng gặp các con Bác cũng hạnh phúc lắm rồi. Những sự việc,những câu chuyện của gần 60 năm trước khi bé Hùng lúc đó mới hơn 10 tuổi được kể lại vanh vách và nhớ như in. Rất nhiều câu chuyện cảm động đã được nhiều người dân Đá Bàn kể lại nhằm bày tỏ tình cảm của mình đối với Hoàng thân Xu-pha-nu-vông. Như thế đủ nói lên tình cảm và mối quan hệ gắn bó của Hoàng thân với nhân dân địa phương sâu nặng đến nhường nào.
Mỹ Bằng xứng đáng là điểm mở đầu cho hoạt động “Theo dấu chân Chủ tịch Xu-pha-nu-vông” vì ngoài Đá Bàn, tại thôn Làng Ngòi của xã này, tháng 6-1950, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản (sau này là Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) cùng các đồng chí cán bộ cách mạng Lào đã đến ở và làm việc để chuẩn bị tổ chức Đại hội toàn quốc Mặt trận Neo Lào Ít-xa-la (Mặt trận Lào thống nhất). Sau một thời gian chuẩn bị và được sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân địa phương, ngày 13-8-1950, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Neo Lào Ít-xa-la đã được tổ chức. Đại hội đã bầu ra Chính phủ liên hiệp kháng chiến Lào với Hoàng thân Xu-pha-nu-vông là Thủ tướng và đồng chí Cay-xỏn-phôm-vi-hản là Bộ trưởng Quốc phòng.
Tháng 12-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào đến Đá Bàn thăm và làm việc với Chính phủ kháng chiến Lào và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông. Tại đây, Nguời đã đặt tên Việt Nam cho bốn người con trai của Hoàng thân là Quang, Minh, Chính, Đại. Rất tiếc là anh Quang đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến, anh Đại do bận công tác nên chỉ có anh Minh, anh Chính tham dự đợt hoạt động này.
Đã từ lâu, địa điểm diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Neo Lào Ít-xa-la, nơi ở và làm việc của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông và đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản tại Làng Ngòi và làng Đá Bàn đã trở thành Khu di tích lịch sử đặc biệt của cách mạng Lào – là “địa chỉ đỏ” và là điểm đến không thẻ thiếu của những chuyến hành hương trở về cội nguồn của các đoàn đại biểu Lào mỗi khi sang thăm Việt Nam.
Rời Tuyên Quang trong sự bịn rịn lưu luyến của lãnh đạo và nhân dân địa phương, các bạn Lào trở lại Thủ đô Hà Nội, nơi Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đã để lại rất nhiều dấu ấn. Kia là trường An-be Xa-rô – ngôi trường mà cậu bé Xu-pha-nu-vông được Hoàng gia Lào gửi sang theo học từ lúc mới 11 tuổi. Đây là Bắc Bộ phủ, nơi diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân những ngày đầu tháng 9/1945 - cuộc gặp lịch sử đã quyết định bước ngoặt quan trọng để Hoàng thân từ bỏ giàu sang quyền quý đi cùng với quảng đại quần chúng nhân dân. Có một chi tiết khá thú vị là cuộc gặp giữa vị Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà và vị Hoàng thân của Hoàng gia Lào lại diễn ra trong bối cảnh hết sức thân tình: cùng ăn cơm với rau muống, muối vừng và cá kho ngay trong nhà bếp, cùng trải chiếu nằm giữa sàn nhà và cùng chung một chiếc gối mây dài hơn một mét do đồng bào Nghệ An gửi tặng.
Sau khi hòa bình được lập lại tại miền Bắc Việt Nam, Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội thì Phủ Chủ tịch là nơi chứng kiến nhiều cuộc hội ngộ giữa hai vị Chủ tịch: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Xu-pha-nu-vông. Có những cuộc gặp gỡ để bàn việc cùng nhau phối hợp đấu tranh chống kẻ thù chung, nhưng cũng có không ít những cuộc gặp hết sức đầm ấm thân tình. Anh Minh, chị Nga, anh Chính bồi hồi nhớ lại những lần cả gia đình mình được gặp và chụp ảnh chung với Bác Hồ, được đón nhận tình cảm trìu mến mà Bác đã dành cho. Một trong những nội dung quan trọng trong chương trình “Theo dấu chân Chủ tịch Xu-pha-nu-vông” là các cuộc gặp gỡ, giao lưu với những cựu chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam đã từng phục vụ Chủ tịch hiện sinh sống tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong đó có những nhân vật tiêu biểu như Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - vị tướng đã có hàng chục năm lăn lộn tại chiến trường Lào, từng nhiều lần diện kiến Chủ tịch Xu-pha-nu-vông và nay là Trưởng Ban liên lạc quân tình nguyện Việt Nam tại Lào; là nhà văn Trần Công Tấn - người có nhiều tác phẩm về đất nước Lào và Chủ tịch Xu-pha-nu-vông, được Chủ tịch nhận làm con nuôi; là Đại tá Phan Dĩnh - người đã bảo vệ Chủ tịch Xu-pha-nu-vông vượt nhà tù Phôn-kheeng; là bà Lê Thị Xuyến - em ruột chiến sỹ tình nguyện Việt Nam Lê Thiệu Huy đã hy sinh thân mình để che đạn cho Hoàng thân Xu-pha-nu-vông khi vượt sông Mê Kông từ Thà Khẹc sang Thái Lan năm 1946, cùng rất nhiều đồng chí khác. Thời gian có hạn nhưng số “lão đồng chí” cần phát biểu bày tỏ tình cảm với Chủ tịch Xu-pha-nu-vông lại rất nhiều nên mặc dù Ban tổ chức đã kéo dài chương trình giao lưu nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu “nói cả ngày không hết” tình cảm đối với vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Lào, người Anh, người Bác, người Chú thân thiết của các cựu chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam. Nhiều kỷ vật rất có ý nghĩa liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Xu-pha-nu-vông được các “lão đồng chí” cất giữ bấy lâu, nay có dịp trao lại cho Khu di tích Chủ tịch Xu-pha-nu-vông và cho thân nhân của Chủ tịch. Sẽ là chưa đầy đủ nếu chỉ “đi theo” dấu chân của nhà cách mạng Xu-pha-nu-vông mà không đi thăm những công trình mang đậm dấu ấn của kỹ sư Xu-pha-nu-vông. Trước khi đến với cách mạng, với tư cách là kỹ sư cầu đường đầu tiên ở Đông Dương rồi Kiến trúc sư trưởng Khu công chánh Nha Trang, Hoàng thân đã thiết kế hoặc phụ trách thi công nhiều công trình trên đất Việt Nam. Đến nay, phần lớn các công trình này vẫn đang vận hành bình thường, phục vụ thiết thực đời sống và sản xuất của nhân dân địa phương. Trong số các công trình này phải kẻ tới đập Bái Thượng ở Thanh Hoá, là công trình “sống cùng thế kỷ”, không chỉ phát huy tác dụng trong việc điều hoà nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp mà còn là cảnh quan hấp dẫn khách du lịch, đã từng là biểu tượng đẹp nhất của tem Việt Nam thời kỳ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà.
Tháp nước Phan Thiết cũng được giới kiến trúc đánh giá là đẹp và độc đáo nhất trong các tháp nước được xây dựng ở Việt Nam với sự thanh thoát, sang trọng kiểu kiến trúc phương Đông. Công trình này đã trở thành biểu trưng chính thức của tỉnh Bình Thuận. 76 năm đã trôi qua, Tháp nước vẫn sừng sững khoe dáng bên dòng Cà Ty thơ mộng chảy vắt ngang qua Thành phố. Đứng bên tháp nước, các bạn Lào đều trầm trồ khen ngợi pha lẫn niềm tự hào về một công trình nổi tiếng do người đồng bào của mình thiết kế. Dù đã hai lần đến Phan Thiết nhưng Vi-nay-thong (anh Chính) không hề biết tháp này do người cha thân yêu của mình thiết kế vì “có bao giờ ông Cụ nói cho chúng tôi biết điều này đâu. Nếu không có hành trình “Theo dấu chân Chủ tịch Xu-pha-nu-vông” thì anh em chúng tôi và rất nhiều người Lào không thể biết đến những tuyệt tác của ông Cụ với tư cách kỹ sư cầu đường”.
“Đúng vậy, kỹ sư Xu-pha-nu-vông đã thiết kế nhiều công trình nổi tiếng tại Việt Nam nhưng công trình quan trọng nhất mà kỹ sư – nhà cách mạng Xu-pha-nu-vông đã kiến tạo nên chính là mối quan hệ hữu nghị hiếm có Việt – Lào”.đó là ý kiến đánh giá của bà Nguyễn Thị Doan – Phó Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đồng tình với ý kiến này, Trưởng đoàn Lào- Thiếu tướng Phouvong Vongphom, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng Lào, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Lào – Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi vô cùng vinh dự vì đã được thừa hưởng những thành quả tốt đẹp của tình hữu nghị Lào – Việt mà Chủ tịch Xu-pha-nu-vông và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp. Qua chuyến đi này, chúng tôi đã hiểu biết sâu sắc hơn về sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Xu-pha-nu-vông và mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Lào - Việt. Chúng tôi nhận thức rằng, đi “Theo dấu chân Chủ tịch Xu-pha-nu-vông” chính là nhằm ôn lại chặng đường cách mạng đầy gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang mà Chủ tịch đã từng trải qua, “đi theo” là để tìm hiểu tường tận, để mãi mãi đi theo lý tưởng và sự nghiệp cách mạng cao cả mà Chủ tịch Xu-pha-nu-vông đã lựa chọn và suốt đời hiến dâng. Mãi mãi đi theo …
Đức Anh