Lễ truy điệu thật xúc động. Lắng nghe thầy hiệu trưởng đọc Di chúc của Bác và điếu văn của BCH TƯ Đảng do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCH TƯ Đảng trình bày, chúng tôi khóc như những đứa trẻ. Không chỉ có chúng tôi, cả thầy cô và các vị khách lớn tuổi cũng khóc. Hôm ấy, trời mưa mỗi lúc một to, gió lớn lắm, nhưng lá cờ cùng dải băng tang vẫn cứ ủ rũ. Sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Sau này, được đọc thơ Tố Hữu, trong đó có câu: “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”, chúng tôi càng thấu hiểu, Bác ra đi là một tổn thất vô cùng to lớn, không chỉ riêng của dân tộc Việt Nam ta mà còn của cả bạn bè năm châu, đến trời cũng rơi nước mắt.
Những ngày sau đó, biến đau thương thành hành động cách mạng, chúng tôi lao vào học tập. Đó cũng là lúc chiến trường miền Nam diễn ra quyết liệt. Nghe theo lời Bác dạy, chúng tôi rủ nhau viết đơn nhập ngũ. Tôi nhớ, khi khám sức khỏe, tôi và người bạn học cùng lớp tên là Vô phải giấu mấy hòn gạch trong túi quần mà trọng lượng cơ thể cũng chưa tới 40kg.
Cuối cùng, thì chúng tôi cũng toại nguyện. Mùa đông năm ấy, khi cái rét ngọt đầu mùa tràn về, tôi và các bạn cùng lớp vượt Trường Sơn vào chiến trường. Chúng tôi vinh dự được kết nạp Đảng trên đường Trường Sơn - Lớp đảng viên được mang tên Bác Hồ kính yêu.
Vào một buổi chiều mùa đông, khi cái nắng mang màu mật ong tràn ngập phố phường, tôi có mặt ở ngôi nhà số 13 và 13/1 (nay là số 248 – 250) đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc. Đó là ngôi nhà mà cách nay hơn 80 năm, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã mở lớp chính trị huấn luyện cán bộ chuẩn bị cho việc thành lập Đảng.
Sử sách còn ghi rõ: “Cuối tháng 10 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc rời Mátxcơva, xuyên Siberia, nghỉ lại ở Vladivostok, rồi xuống tàu viễn dương của Liên Xô đi Trung Quốc. Người đến Quảng Châu ngày 11-11-1924 xúc tiến việc chuẩn bị thành lập chính đảng vô sản kiểu mới cho giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam”. Tôi đã chắp tay trước ngực, xá lạy hương hồn các bậc cách mạng tiền bối rồi len lén đứng bên cạnh băng ghế mà 75 chiến sĩ cách mạng, trong đó có những nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng như Lê Hồng Phong, Lý Tự Trọng… đã từng ngồi. Tôi thấy người rạo rực lạ, như có ai truyền sang cho mình sức mạnh.
Chính nơi đây, Nguyễn Ái Quốc sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhen nhóm lên ngọn lửa cách mạng. Để chuẩn bị cho sự ra đời của một đảng Mácxít ở Việt Nam, Người đã vận động những người Việt Nam yêu nước đang hoạt động trong tổ chức “Tâm Tâm xã” ở Quảng Châu thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên.
Cũng chính tại nơi đây, Bác Hồ đã viết tác phẩm Đường kách mệnh và xuất bản báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tôi như người mộng du khi ngắm nhìn những bức ảnh và hiện vật – chứng nhân của một thời dựng nước và bỗng dưng nghe văng vẳng đâu đây giọng nói xứ Nghệ ấm áp, truyền cảm của Bác Hồ.
Cũng vào một buổi chiều mùa đông, khi những ngọn gió heo may làm ửng hồng đôi má các cô gái Tày, gái Thái, tôi có mặt ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đó là mảnh đất cách đây gần 70 mùa xuân, sau mấy chục năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ trở về Tổ quốc để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Cô gái hướng dẫn viên của Khu di tích Pác Bó, có đôi mắt lúng liếng, giới thiệu với chúng tôi về lịch sử vùng đất bảo tàng này. Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc vượt qua cột mốc biên giới số 108 đến xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Những ngày đầu Người ở nhà ông Lý Quốc Súng (Máy Lỳ) và sau đó, chuyển vào làm việc tại hang Cốc Bó thuộc thôn Pác Bó. Hang Cốc Bó vẫn còn đây, dấu chân của Bác vẫn còn đây mà Người đã đi xa gần 40 năm rồi.
Tôi đi dọc con suối, nơi Bác Hồ đặt tên là suối Lênin và cả hòn đá chông chênh Người đã từng ngồi dịch sử Đảng mà bỗng thấy thêm yêu từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Địa linh nhân kiệt. Mảnh đất địa đầu Tổ quốc linh thiêng thế đã nuôi dưỡng, chở che người con kiệt xuất của dân tộc – Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu, người đứng đầu Đảng ta, chỉ đường dẫn lối đưa dân tộc ta đến bến bờ vinh quang, hạnh phúc. Đó là chỗ dựa tinh thần không thể nào khác được của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Người sống như trời đất của ta. Từ gần một thế kỷ nay, hình ảnh Bác Hồ hiển hiện trong từng trang sách các em thơ và trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam và bạn bè thế giới. Nhân kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, với sự cộng tác của các nhà sử học có uy tín hàng đầu đất nước, Báo SGGP đã mở chuyên mục “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ngày này năm ấy”.
- Không chỉ có chúng tôi – những người được vinh dự trực tiếp “theo chân Bác” từng ngày cuốn hút bởi những tư liệu quý báu mà bạn đọc gần xa có cả kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, hàng ngày vẫn dõi theo từng bước đi của Bác trong 79 mùa xuân, đặc biệt hơn 60 năm hoạt động cách mạng. Đó là một tư liệu vô giá, cần được phổ biến rộng rãi. Đây là một tài liệu quý để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ thanh niên. Một tấm gương để mỗi người Việt Nam, đặc biệt cán bộ, đảng viên soi rọi...
Một bạn đọc ở xa lắm, từ một tỉnh biên giới sát đất nước Campuchia anh em viết thư về đề nghị: Cần in thành sách những tư liệu quý này để hỗ trợ cho cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…
Bác Hồ ta đó! Người hiển hiện từng ngày, từng giờ trên con đường cách mạng dẫn dắt dân tộc ta vượt qua biết bao thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nghe bạn đọc nói thế, lòng chúng tôi tràn đầy niềm hạnh phúc. Trên trái đất này, quốc gia nào cũng vậy, dân tộc nào cũng vậy, muốn đi đến bến bờ hạnh phúc trước hết, phải có nền tảng tư tưởng và chỗ dựa tinh thần vững chắc. Cả cuộc đời của Bác, tấm gương đạo đức của Bác chính là nền tảng tư tưởng, là chỗ dựa tinh thần vững chắc của dân tộc Việt Nam.
Tôi bỗng nhớ đến những câu thơ ra đời cách nay hơn nửa thế kỷ, khi cuộc kháng chiến còn nhiều gian khổ, hy sinh mà dường như người Việt Nam nào cũng thuộc:
Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân
Dù ai rào giậu, ngăn sân
Lòng ta vẫn giữ là dân Cụ Hồ.
(trích thơ Tố Hữu)
Vâng, đúng thế, hơn tám mươi triệu người Việt Nam – dân Cụ Hồ luôn vững lòng tin ở Bác và con đường mà Đảng và Bác đã chọn. Tôi nhớ lại buổi lễ truy điệu Bác tại sân trường cấp 3 Hải Hậu cách nay đúng 40 năm và cả những đợt hành quân, những lần công tác được đến nơi in đậm dấu chân Người…
Thế hệ cháu con mãi mãi vững tin theo chân Bác.
TPHCM tháng 9-2009
Tùy bút của Trần Thế Tuyển