Bác Trần Thị Kim Thanh và bác Chanhthep Bounthilath xúc động khi gặp lại nhau (Ảnh: TV) |
Đây là một hoạt động trong khuân khổ Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Lào. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong không khí đầm ấm, thắm đượm tình đồng chí, anh em, có cả nước mắt và nụ cười. Nước mắt mừng vui của hai chị em kết nghĩa, bác Trần Thị Kim Thanh và bác Chanhthep Bounthilath làm xúc động lòng người. Phóng viên trang web Vietpeace đã có cuộc phỏng vấn với hai bác và một số công dân Lào, cựu chuyên gia Việt Nam tại Lào.
PV: Thưa bác Thanh, bác và bác Chanhthep Bounthilath đã quen nhau vào thời gian nào, hoàn cảnh nào?
Tôi và chị tôi, bà Chanhthep Bounthilath gặp nhau vào khoảng năm 1958 -1959, khi đó chúng tôi ở cùng khu tập thể dành riêng cho chuyên gia Việt Nam giúp Lào. Chị Chanhthep lấy chồng Việt Nam, một quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào và theo chồng sang Việt Nam sinh sống. Chúng tôi thân thiết như chị em ruột thịt, cùng chia sẻ khó khăn, vui buồn. Thời gian sau đó, chị Chanhthep quay trở lại Lào, từ đó chúng tôi bặt tin nhau.
PV: Xin bác cho biết cảm nghĩ khi gặp lại người chị kết nghĩa sau nhiều năm xa cách ?
Đã 40 năm rồi chúng tôi mới gặp lại nhau, tôi bặt tin chị Chanhthep, tôi không biết chị ấy còn sống hay đã qua đời. Hôm nay gặp lại chị ấy, ban đầu không nhận ra nhau. Đến cuối buổi gặp gỡ tôi mới nhận ra chị, chúng tôi không nói nổi lời nào chỉ ôm nhau khóc. Tôi cảm thấy không có gì vui sướng hơn khi gặp lại người chị thân thương thuở nào. Tình cảm của chúng tôi không đơn thuần là chị em kết nghĩa bình thường, đó là tình cảm được vun đắp từ tình tình hữu nghị giữa nhân dân, Đảng, Chính phủ hai nước Việt – Lào.
Tôi sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ông bà, bố mẹ và chồng đều là chuyên gia giúp Lào, chồng tôi đã hy sinh tại Lào trong chiến tranh, tôi rất biết ơn nhân dân Lào đã che chở, giúp đỡ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam trong đó có người thân của tôi.
Công dân Chanhthep Bounthilath, TP Viên Chăn, Lào.
PV: Thưa bác Chanhthep, động lực nào thúc đẩy bác và gia đình che dấu quân tình nguyện Việt Nam mặc dù biết công việc này sẽ gây nguy hiểm cho gia đình bác ?
Khi nhận che giấu bộ đội Việt Nam, chúng tôi không nghĩ đến sự nguy hiểm hay cái chết, chúng tôi chỉ nghĩ rằng đi theo cách mạng là hay là tốt. Cách mạng đem lại tự do, hạnh phúc cho chúng tôi. Dưới chế độ thuộc địa của thực dân Pháp, chúng tôi bị bắt nặt, chịu đói khổ. Tôi và bố mẹ đi theo cách mạng, đã che giấu nhiều bộ đội, chuyên gia Việt Nam, chúng tôi và bộ đội Việt Nam như người thân một nhà, cùng chia sẻ cái ăn, cái mặc. Những năm 1952 - 1954, thực dân Pháp càn quét ráo riết, nên bộ đội Việt Nam phải ở trên rừng. Tôi cùng với mẹ đã cơm nước, liên lạc cho quân tình nguyện, xin quần áo của người dân tiếp tế cho bộ đội. Có người bị thương, hai mẹ con lại thay nhau lên rừng chăm sóc.
Công dân Khammeng Seanthavong, tỉnh Sa-Văn-Nạ-Khệt.
PV: Bác có cảm nghĩ gì về quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam ?
Quân tình nguyện Việt Nam rất tốt, thương yêu chúng tôi như người thân trong gia đình, giúp chúng tôi chữa bệnh, đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Chúng tôi rất biết ơn công lao của bộ đội Việt Nam với nhân dân, cách mạng Lào, đặc biệt là với tỉnh Sa-Văn-Nạ-Khệt. Hiện nay, chúng tôi đã và làm hết sức mình trong việc duy trì và tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Chúng tôi tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền cho thế hệ trẻ về truyền thống hữu nghị Việt – Lào, xây dựng tượng đài quân tình nguyện Việt Nam, tổ chức tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam.
GS.TS, Thầy thuốc nhân dân Trần Đức Hòe, chuyên gia Việt Nam giúp Lào
PV: Bác đã sang Lào làm chuyên gia vào thời gian nào ?
Tôi làm chuyên gia tại Lào từ năm 1961 đến năm 1967. Tôi là bác sỹ đầu tiên vào Lào, vừa là cố vấn quân y khu kháng chiến hạ Lào, vừa là chủ nhiệm quân y của các lực lượng tình nguyện Việt Nam tại Lào. Tôi có nhiệm vụ giúp bạn Lào đào tạo y tá, xây dựng, tổ chức hệ thống y tế.
PV: Bác có thể kể lại kỷ niệm sâu sắc nhất của Bác trong thời gian làm chuyên gia tại Lào ?
Tôi có hai kỷ niệm muốn kể lại với các bạn. Kỷ niệm thứ nhất là kỷ niệm buồn, khi đó tôi vừa mới sang Lào, có một ca thương binh tôi nhận điều trị, tôi đã phải cưa chân cho một quân tình nguyện Việt Nam bằng cưa quân khí. Đó là một kỷ niệm mà tôi không thể quyên. Quân tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu giúp cách mạng Lào trong điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng chúng ta đã không quản ngại gian khổ, khó khăn, hy sinh.
Kỷ niệm thứ hai là kỷ niệm vui. Tôi đã chữa bệnh cho nhiều dân bản Lào, vì vậy được dân bản quý mến. Trên đường trở về Việt Nam, đi từ bản này sang bản kia tôi được dân bản hai bên đường tặng những bu nhốt gà, các cụ già thì làm lễ “buộc chỉ cổ tay” cầu bình an cho tôi. Tình cảm của dân bản Lào khiến tôi rất xúc động.
PV: Bác đánh giá thế nào về quan hệ Việt – Lào ?
Hai nước, hai dân tộc Việt – Lào là quan hệ anh em, gắn bó máu thịt, cùng chung chiến hào chống lại kẻ thù chung là đế quốc Mỹ và thực dân Pháp. Không có tình cảm cách mạng nào mà gắn bó tha thiết, thật thà, trung thực như tình cảm Việt – Lào.
PV: Theo bác chúng ta phải làm gì để gìn giữ, phát huy mối quan hệ truyền thống hữu nghị Việt – Lào trong lương lai?
Làm gì để tăng cường quan hệ Việt – Lào ? Theo tôi , Việt Nam, Lào cả hai bên phải thành tâm, coi nhau như anh em, không nề hà, khả năng của ta đến đâu ta giúp bạn tới đó, về phương tiện vật chất, khoa học kỹ thuật và thậm chí cả xương máu.
PV: Xin cảm ơn bác, chúc bác mạnh khỏe và tiếp tục cống hiến cho tình hữu nghị Việt – Lào.
Q.Hoa