Các đại biểu tham dự Hội nghị Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền lần thứ 36 tại Indonesia. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Indonesia) |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah nhấn mạnh điều đó trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 3/5. Theo đó, Đối thoại nhân quyền ASEAN 2023 được coi là một diễn đàn đối thoại cởi mở và minh bạch về các vấn đề nhân quyền trong khu vực.
Ông Teuku Faizasyah cho hay, sáng kiến này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra môi trường làm việc công bằng cho lao động nhập cư, bảo vệ nạn nhân trước chủ nghĩa cực đoan, xóa bỏ nạn buôn người cũng như tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Đại diện của Indonesia tại Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), đồng thời là Chủ tịch AICHR năm 2023 Yuyun Wahyuningrum, khi chủ trì Hội nghị AICHR lần thứ 36 (27/2-3/3) đã nhấn mạnh rằng, các sáng kiến của Indonesia thông qua các hoạt động tham vấn, thực tiễn và hội thảo, sẽ bao hàm lợi ích của tất cả các nước thành viên ASEAN trong việc thúc đẩy quyền con người trong khu vực.
Trong khuôn khổ Hội nghị trên, lần đầu tiên AICHR tổ chức Chuyến thăm học tập quốc gia (country learning visit). Đại diện của các nước thành viên ASEAN đã đến thăm thành phố Bogor và làng du lịch nông nghiệp Mulyaharja để tận mắt chứng kiến sự thành công của các chính quyền khu vực trong việc thúc đẩy, tiến bộ và bảo vệ nhân quyền.
Đối thoại nhân quyền ASEAN lần đầu tiên được tổ chức năm 2013 do Indonesia khởi xướng. Năm 2022, Campuchia và Indonesia đồng chủ trì Đối thoại Nhân quyền ASEAN. Các bên chia sẻ các chương trình và hoạt động quốc gia về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, như bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em.
Q.Hoa t.h / TG & VN