Những thành quả chưa có tiền lệ
Đại sứ có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như những đóng của ngoại giao Việt Nam vào sự phát triển này?
Với tư cách là nhà ngoại giao Hàn Quốc, tôi đã có cơ hội làm việc 3 lần tại Hà Nội, 1 lần tại Thành phố Hồ Chí Minh và học tập tại Học viện Ngoại giao Việt Nam. Nhờ đó, tôi đã trải qua quãng thời gian 13 năm tại đất nước các bạn, tận mắt chứng kiến sự phát triển kinh tế xã hội rực rỡ cũng như những nỗ lực tích cực của Chính phủ Việt Nam.
Kể từ sau khi thực hiện chính sách Đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã mở cửa thành công và duy trì đà tăng trưởng nhanh chóng. Đà tăng trưởng đó vẫn được tiếp tục ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gần đây, và Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Sự phát triển kinh tế xã hội đáng chú ý này của Việt Nam là dựa trên nền tảng quản lý ổn định môi trường đối nội, đối ngoại hợp tác tích cực với các quốc gia trên thế giới. Và trong quá trình đó, hợp tác mật thiết giữa Hàn Quốc và Việt Nam đã trở thành trọng tâm, đây là chuyện đương nhiên không cần phải nhấn mạnh nữa.
Quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao đã phát triển thực chất, bao trùm, đột phá trên nhiều lĩnh vực và trên cả phương diện song phương lẫn đa phương, giờ đây hai nước đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau. Bình luận của Đại sứ về đánh giá này?
Tôi hoàn toàn đồng tình với đánh giá trên. Kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và sâu sắc trên tất cả mọi lĩnh vực trong vòng 30 năm qua, hơn bất kỳ mối quan hệ với các quốc gia nào khác.
Minh chứng rõ ràng cho thấy hợp tác sâu rộng giữa hai nước chính là kim ngạch thương mại đạt 500 triệu USD vào năm 1992 đã tăng trưởng nhanh chóng gấp 161 lần, đạt 80,69 tỷ USD vào năm 2021. Giao lưu nhân dân ngày càng mạnh mẽ, lượng khách du lịch từ 2.000 lượt người vào năm 1992 đã tăng 2.450 lần, đạt 4,9 triệu lượt người vào năm 2019.
Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất và đối tác thương mại thứ 3 của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4, đồng thời là nước hợp tác ODA lớn nhất của Hàn Quốc.
Trước thành quả chưa từng có trong tiền lệ, hai nước hiện đang nỗ lực nhằm nâng tầm quan hệ lên Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, mức cao nhất trong quan hệ song phương.
Tuy nhiên, cũng không thể không nhắc đến rằng hai nước vẫn còn nhiều lĩnh vực cần mở rộng, tăng cường hợp tác hơn nữa.
Hai nước đang cùng nhau nỗ lực nhằm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030. Hai nước dự kiến hợp tác mật thiết hơn nữa trong các lĩnh vực mới như y tế, biến đổi khí hậu, an ninh kinh tế, chuỗi cung ứng, quốc phòng, công nghiệp quốc phòng, hợp tác quốc tế, khu vực…
Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Theo Đại sứ trong thời gian tới, Chính phủ và doanh nghiệp hai nước cần làm gì trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác, góp phần giúp Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch, hướng tới tăng trưởng bền vững, thực hiện các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 ?
Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Quy mô đầu tư vào Việt Nam của Hàn Quốc tạm thời chững lại do ảnh hưởng của đại dịch, sau khi đại dịch lắng xuống, trong nửa đầu năm 2022, kinh tế đã khôi phục đến 97% so với thời kỳ trước đại dịch (năm 2019), đầu tư đang được mở rộng nhanh chóng như xu hướng từ trước tới nay.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang tiếp tục đầu tư Việt Nam – nơi có môi trường đầu tư xuất sắc, mở rộng nội địa hóa, gây dựng nền tảng hợp tác cộng sinh với các doanh nghiệp của Việt Nam.
Tôi cho rằng, trong dài hạn, để dẫn dắt sự khôi phục kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam, nỗ lực nâng cao tính cạnh tranh công nghệ và nâng cao giá trị gia tăng với các doanh nghiệp Việt Nam là điều quan trọng nhất.
Trung tâm nghiên cứu và phát triển của LG hiện đang được vận hành, Viện nghiên cứu khoa học công nghệ Hàn Việt, và Trung tâm nghiên cứu phát triển của Samsung (sắp được khánh thành) - những ví dụ điển hình của việc cộng sinh sẽ đóng góp lớn cho sự nuôi dưỡng và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ - chính sách công nghiệp trọng tâm của Việt Nam.
Trong thời gian tới, nếu Chính phủ hai nước hợp tác mật thiết, triển khai hỗ trợ về mặt chính sách, đẩy mạnh hợp tác kinh tế công tư trong nhiều lĩnh vực thì các doanh nghiệp của hai nước sẽ có thể cùng phát triển thịnh vượng trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.
Mặt khác, để phát triển không chỉ về lượng mà còn về chất, cần tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp triển vọng và lĩnh vực trọng tâm cần phát triển của Chính phủ Việt Nam.
Hai nước cần đóng góp cho sự tăng trường bền vững và mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 của Việt Nam bằng cách thực hiện chung các dự án trong lĩnh vực ICT, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phục vụ cho chuyển đổi sang nền kinh tế số; ngành công nghiệp xanh như năng lượng tái tạo mới để ứng phó với biến đổi khí hậu, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng... trên nền tảng hợp tác giữa hai Chính phủ.
Đại sứ Park Noh Wan tại Lễ cắt băng khai mạc chương trình Lễ hội 'Con đường văn hóa Hàn Quốc cùng Đại sứ quán Hàn Quốc'. |
Phát huy vai trò chất xúc tác
Các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đều đánh giá Hàn Quốc hoạt động ngoại giao văn hóa rất hiệu quả. Đại sứ có thể chia sẻ kinh nghiệm ngoại giao văn hóa của Hàn Quốc, đặc biệt là các hoạt động của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam ?
Chính phủ Hàn Quốc đang có nhiều nỗ lực nhằm quảng bá văn hóa tươi đẹp của Hàn Quốc ra thế giới và mở rộng giao lưu văn hóa giữa Hàn Quốc và các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, trên nền tảng năng lực văn hóa nhân dân.
Đặc biệt, Chính phủ Hàn Quốc đang hỗ trợ hoạt động không chỉ cho Đại sứ quán Hàn Quốc tại các nước và còn cho các cơ quan đại diện Chính phủ như Trung tâm văn hóa Hàn Quốc, Cơ quan Nội dung sáng tạo Hàn Quốc, Ủy ban Quyền tác giả Hàn Quốc, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc...
Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Đại sứ quán Hàn Quốc đã tổ chức Sự kiện Con đường văn hóa Hàn Quốc vào tháng 4/2022, Lễ hội K-pop vào tháng 7/2022.
Trong thời gian tới, Đại sứ quán dự kiến tổ chức nhiều Lễ hội đường phố và sự kiện giao lưu văn hóa, kinh tế quy mô lớn như Lễ hội đèn lồng Hàn Việt (tại công viên quận Hoàn Kiếm) vào tháng 9, Triển lãm Hallyu K-EXPO (tại Trung tâm hội nghị quốc gia) và Triển lãm Hallyu KEBB (tại Trung tâm triển lãm quốc tế) vào tháng 10, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hàn Việt (tại đường Trần Văn Lai, Mỹ Đình) và Triển lãm văn hóa du lịch Hàn Việt (tại công viên quận Hoàn Kiếm) vào tháng 12.
Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc đã có nhiều nỗ lực cùng nhân dân các nước, trong đó có Việt Nam hướng tới sự hiểu biết lẫn nhau và cùng nhau thịnh vượng.
Đại sứ đánh giá hợp tác giữa Đại sứ quán và các đơn vị của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đóng góp như thế nào cho sự phát triển quan hệ hai nước?
Đại sứ quán Hàn Quốc và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã và đang hợp tác mật thiết kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Trên nền tảng này, giao lưu cấp cao giữa hai nước đã diễn ra thường xuyên, bao gồm 6 chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc, 3 chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng Bí thư Việt Nam, 2 chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Việt Nam.
Sự kiện Meet Korea kết hợp công tư, các tỉnh thành đã được tổ chức thường niên. Hai bên đã có thể thiết lập nền tảng để quan hệ giữa hai nước được nâng tầm lên Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong năm nay.
Mặt khác, Đại sứ quán Hàn Quốc cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao Việt Nam, tiếp tục giao lưu với các cơ quan Đảng, Chính phủ các cấp như Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản, Quốc hội, Bộ Công thương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... để thực hiện vai trò chất xúc tác tăng cường quan hệ giữa hai nước trên nhiều phương diện. Trong đó, có tăng cường an ninh kinh tế và chuỗi cung ứng, khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19, hợp tác lao động, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác khoa học công nghệ, ICT, năng lượng, y tế, giáo dục đào tạo, giao lưu văn hóa...
Nhằm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước nhân dấu mốc kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đã đến lúc hai nước cần tiến thêm một bước từ việc nhấn mạnh nét tương đồng về văn hóa, có những nỗ lực ngoại giao để tối thiểu hóa tác dụng phụ trong việc phát triển quan hệ một cách nhanh chóng, đồng thời chia sẻ những nét khác biệt về văn hóa, chính sách, tăng cường sự kết nối về mặt tình cảm lên một tầm cao hơn thông qua sự thấu hiểu lẫn nhau.
Nếu sự thấu hiểu lẫn nhau là nền tảng thì điểm khác biệt giữa hai nước sẽ đóng góp hoàn thiện cho quan hệ hai nước. Trong quá trình đó, hợp tác giữa Đại sứ quán Hàn Quốc và Đảng, Chính phủ Việt Nam quan trọng hơn bao giờ hết.
Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới phía Việt Nam trong thời gian qua đã hỗ trợ và phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc vì sự phát triển quan hệ hai nước. Tôi cũng hy vọng hai nước có thể hợp tác mật thiết hơn nữa trong tương lai.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Q.Hoa t.h / TTX