Tham gia cuộc Tọa đàm về phía khách mời có đại diện các Ban làm công tác đối ngoại và nghiên cứu trong Liên hiệp Hữu nghị, đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, đại diện Hội Hữu nghị Việt – Trung, Hội Hữu nghị Việt Nam – Liên Bang Nga, một số chuyên gia nghiên cứu về Nga và Trung Quốc. Về phía Quỹ Hòa Bình và Phát triển Việt Nam có ông Hà Hùng Cường, Chủ tịch Hội đồng Quỹ, ông Trần Đắc Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực chủ trì Tọa đàm và các thành viên Ban Thư ký, một số thành viên Hội đồng Quỹ.
Toàn cảnh Tọa đàm
Cuộc Tọa đàm nhằm phân tích mối quan hệ và khả năng hình thành liên minh Trung – Nga, các nhân tố tác động đến việc liên minh Trung – Nga hiện nay, từ đó đánh giá tác động và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam.
Tại Tọa đàm, sau báo cáo dẫn đề các đại biểu đã tập trung thảo luận về chiều hướng chính sách đối ngoại của Trung Quốc và Nga, dự báo mối quan hệ Trung – Nga trong thời gian tới và những tác động đến tình hình thế giới, trong đó có khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là Việt Nam. Các đại biểu thống nhất nhận thức rằng, trong bối cảnh hiện nay, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc với các mối quan hệ đan xen, chồng chéo và tính tùy thuộc lẫn nhau cao độ trên tất cả các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, chính trị, ngoại giao, kinh tế. Mặc dù cả Nga và Trung Quốc không giới hạn các lựa chọn chiến lược của mình, không loại trừ khả năng tạo dựng liên minh, nhưng về tổng thể và bởi nhiều lý do, xu hướng trước mắt là cả Nga và Trung Quốc sẽ vẫn duy trì quan hệ đối tác chiến lược, tận dụng tối đa các cơ hội mà mô hình quan hệ này mang lại.
Tình hình thế giới và quan hệ quốc tế tạo ra cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với lợi ích trực tiếp của các nước, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các quốc gia cần nâng cao tính tự chủ chiến lược, lựa chọn chính sách phù hợp để thích ứng với tình hình nhằm tối ưu hóa lợi ích của mình./.
Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam